Ngày xưa.. Ngày xưa ơi... Đừng khóc. Ngày xưa là thứ nhớ nhất, không phải vì nỗi buồn, không phải đã quá nhờn với đau thương, không phải là tổn thương khó lành.
Mà nhớ đến để cười, để sống, để được thương đúng mức, được yêu hết mực, để biết bám rễ vào ngày xa xôi ấy mà luôn biết vươn lên.
Ngày xưa...
Tôi yêu quê hương vô cùng. Yêu cánh đồng xanh mướt trải tít tắp tận rặng cây phía xa. Yêu mùi thơm của đất và hương lúa chín mỗi độ mùa về. Yêu vì được về lại ngôi nhà ấm áp mùi đài bi, sắc cam hoa lan tiêu bên tường.. Tôi yêu quê hương không chỉ từ những niềm vui khôn tả mà chất chứa trong ấy là cả những câu chuyện buồn .. Về những ngày xưa khuất nẻo cho ngày nay khôn lớn ..
Ngày xưa ơi....
Có khi nào cất tiếng gọi là một lần buồn bã. Không phải vì tiếc nuối mà muốn quên đi. Không phải vì muốn níu kéo mà muốn cắt đứt. Không phải muốn quên mà buộc phải nhớ. Đó chẳng phải gì đẹp đẽ mà là một tì vết. Ngày xưa ơi, trong veo những giọt nước mắt, ăm ắp nỗi buồn, xốn xao những phút giây bình yên ở thực tại.
Và ngày xưa ..
....
Truyện kể thế này về nhóc: Nhóc ra đời. Mẹ quặn đau mà ngất. Cái thai nhi bị rau quấn cổ. Nó chết ngạt và bầm tím. Bác sĩ và y tá vứt nó sang cái khay lạnh lẽo, hối hả quay lại cứu lấy người mẹ. Thường thì người ta sẽ lo lắng và chăm sóc nhiều hơn đến người mẹ vì Người có hi vọng cứu chữa nhiều hơn, hay an ủi người nhà rằng rồi sẽ có một hài nhi khác thay thế. Quan trọng là cứu được người mẹ. Còn cái hình hài lúc ấy sinh ra, 3 cân 6, khá nặng, nằm bầy hầy giữa phòng trên cái xe đẩy dụng cụ y tế. Thân hình nó tím tái vì ngạt. Cái rau rốn còn kẹt, quấn trên cổ nó. Ngỡ tưởng nó chết chứ… Nhưng…
Có những câu chuyện ít biết hơn về nó. Ấy là khi sinh ra đời, mẹ nó không có sữa cho con bú. Thằng anh con bác nó hồi ấy bé xíu, thương cô, thương em quá mà từ sáng tới chiều bế nhỏ quanh xóm làng xin bú rình. Thằng em tha hồ khóc đến lạc giọng. Thằng anh mếu máo vì đứa em bế nặng trên tay thì ít, mà thấy thương nó khóc thì nhiều.
Cứ vậy, bao tháng ngày thằng nhỏ khóc khan tiếng mới được chút sữa bú nhờ. Thì trẻ con sinh ra biết gì ngoài ăn ngủ. Nhưng giấc ngủ không tròn vì đói, khát sữa. Tới hồi đi hết tất cả các nhà trong xóm, đi lại vòng nữa để xin ăn, xin bú, thằng anh lại mặt dày mày dạn tới nhờ bà dì. Bà cũng đang có con nhỏ, nhất định không cho vì sợ cạn sữa. Cơ khổ, tới khi người mẹ không nuôi con bú nữa, sữa mới dần tự mất đi... Hàng xóm nhìn quá, thì bà bôi thuốc lên đầu sữa, cho nhỏ bú. Đắng quá, nhỏ lại khóc thét lên. Rồi lại một hành trình khát sữa tiếp ..
Rồi cũng đến thời điểm nó được đi học. Đi học cũng thấy cô giáo ghét vì nó yếu ớt quá, lại hay khóc nhè. Nó rất thích ngồi ăn một mình bên cái ghế nhỏ xíu cô dựng xa góc lớp, ngồi nhìn bạn bè ăn và cười tít mắt vì mình được ở riêng. Mỗi lần nó múa hát cùng bạn bè, cả buổi cô giáo thường cho nó làm cây cối, đứng ngoài cùng vẫy vẫy đôi tay làm cành lá.
Rồi mẹ nó mất vì căn bệnh tim quái ác, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu cái cảm giác mất đi người thân sẽ đau như thế nào. Bố nó suy sụp rồi về hưu, chị nó phải nghỉ học đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Và giờ nó đã lớn…
....
Những chuyện kể có thật về những nỗi buồn xa xưa cứ ngân nga theo một nhịp điệu da diết, cứ thăm thẳm cuốn vào lòng, dội ngược lại lên trái tim và bật nấc từng đoạn nhớ. Dòng đời trôi chảy và bình dị lắm như khi ta nhìn chiếc lá vàng cuối hạ rớt nhẹ xuống mặt hồ, khi chợt có chút heo may vờn trong không gian thu, như đông tới với cái lạnh dửng dưng và chỉ vui tươi trở lại với đàn én lượn báo xuân về...
Người ta cố giấu đi tất cả hoài niệm buồn thương trong đời. Hoặc là do người ta luôn cố gắng sống tốt hơn mà kìm nén tận đáy ký ức những nỗi buồn ấy. Hoặc người ta phát điên vì đau đớn, hay người ta thờ ơ như nó đành vậy.
Khốn khó trong đời đã làm người ta chôn sâu mầm ác. Chẳng may gặp chiều gió hướm hở, nhờ tiêm nhiễm thù đời hay sự bất mãn trong lương tâm mà cái mầm ấy trỗi dậy, đâm nát tâm hồn một con người cả nghĩ. Còn nếu may mắn trong đâu đó khu vườn hướng thiện, mầm ác chỉ là thứ cây dây leo sẽ lớn và chỉ biết quấn quanh, bám sống bên cạnh một tâm hồn khỏe khoắn. Như những con người chịu thương chịu khó vượt lên nỗi bất hạnh của ngày xưa mà sống và hoàn thiện. Họ chỉ để nỗi đau khẽ rấm rứt mỗi lúc sang mùa mới, khúc đoạn gập ghềnh nào đó trong đời mà thôi…
Ngày xưa là thứ nhớ nhất. Không phải vì nỗi buồn. Không phải đã quá nhờn với đau thương. Không phải là tổn thương khó lành. Mà nhớ đến để cười, để sống, để được thương đúng mức, được yêu hết mực, để biết bám rễ vào ngày xa xôi ấy mà luôn biết vươn lên.
Ngày xưa ơi, đừng khóc..
Ngày xưa.. Ngày xưa ơi... Đừng khóc / Lukhachdem Blog
Theo: Mblog.Yan.Vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét