Những phát minh đáng kinh ngạc của người Ai Cập cổ đại (Phần II). Nền văn minh Ai Cập từ xa xưa đã khiến cả thế giới phải nể phục với trí tuệ và sự sáng tạo của mình.
Trong phần I của bài viết, chúng ta đã được biết đến những phát minh của người Ai Cập cổ đại góp phần làm thay đổi cuộc sống loài người như phát minh ra giấy cói, lịch hay chiếc cày. Trong phần 2 này, chúng ta sẽ tiếp tục được tìm hiểu những phát minh không kém phần thú vị khác của những người Ai Cập cổ đại.
Kẹo thơm miệng
Khác với chúng ta, người Ai Cập cổ đại không sử dụng nhiều các loại nước giải khát có đường hay thực phẩm dễ gây sâu răng, nhưng chính những viên đá họ dùng để xay bột bánh mì chứa rất nhiều cát và đá mạt khiến họ có thể bị viêm lợi hay nhiễm trùng. Vì vậy, họ thường mắc chứng hôi miệng, ngay cả ở những người trẻ. Người Ai Cập khá giỏi về y thuật nhưng không hề có các nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để chữa răng và nướu răng bị hư hại nghiêm trọng của mình.
Các nhà khoa học khi khai quật xác ướp đã tìm thấy những răng bị sâu và bằng chứng về sự mưng mủ ở nướu răng. Để đối phó với các mùi khó chịu từ hơi thở của mình, người Ai Cập cổ đã phát minh ra thuốc thơm miệng đầu tiên, đó là sự kết hợp của hương trầm, nhựa thơm và quế đun sôi với mật ong và sau đó vê thành những viên nhỏ.
Bowling
Làn đường chơi bowling của người Ai Cập cổ
Ném quả bóng bằng đá dọc theo một làn đường là một trò chơi phổ biến ở Ai Cập cổ đại, mà là tiền thân của trò chơi bowling ngày nay. Bằng chứng về trò chơi này đã được tìm thấy ở Narmoutheo, cách thành phố Cairo khoảng 90km. Trò chơi là sự pha trộn giữa bowling và billiard, diễn ra trong một căn phòng rộng. Đây có thể là mô hình đầu tiên của phòng chơi bowling hiện đại ngày nay. Căn phòng nằm trong một khu định cư có từ thời La Mã, thuộc thế kỷ 2-3.
Làn đường dài 4 m, rộng 20 cm, sâu 9 cm, và có một lỗ hổng hình vuông có kích thước 12 cm ở trung tâm. Ở dưới lỗ hổng đó, các nhà nghiên cứu tìm thấy một chiếc lọ bằng đất nung lớn phủ đầy cát mịn. Họ cũng nhận thấy các quả bóng có đường kính khác nhau, một quả vừa khít với lỗ hổng hình vuông, quả khác có thể lăn qua dễ dàng trên làn đường.
Cạo râu và cắt tóc
Dụng cụ cạo râu và tóc
Có lẽ người Ai Cập là nhóm người cổ đại đầu tiên cảm thấy khó chịu với mái tóc của mình. Họ coi việc để tóc quá dài là không hợp vệ sinh, cái nóng oi bức của Ai Cập khiến họ cảm thấy không thoải mái khi để tóc và râu dài như vậy. Chính vì lí do đó, họ thường cắt tóc ngắn hoặc cạo trọc đầu và cạo râu thường xuyên. Thậm chí các linh mục còn cạo toàn bộ cơ thể mình ba ngày một lần. Trong lịch sử nền văn minh Ai Cập, mày râu nhẵn nhụi được coi là thời trang thịnh hành nhất.
Cuối cùng, người Ai Cập đã phát minh ra dụng cụ dùng để cạo râu tóc đầu tiên, gồm một lưỡi đá sắc đặt trong tay cầm bằng gỗ và sau đó được thay bằng lưỡi sắc bằng đồng. Họ còn khai sinh ra nghề cắt tóc, các thợ cắt tóc đầu tiên thường làm việc cho những nhà quý tộc giàu có.
Kiểu râu và tóc giả rất được ưa chuộng |
Thế nhưng điều kì lạ ở chỗ, họ không muốn để tóc hay râu nhưng lại rất ưa chuộng tóc giả hay râu giả. Người Ai Cập cổ đại thường lấy tóc người hoặc lông cừu để chế tác thành tóc giả hoặc râu giả, kể cả các nữ hoàng hay vua cũng rất ưa chuộng. Râu giả có nhiều hình dạng khác nhau, mục đích để phân biệt phẩm giá và địa vị xã hội của người đeo. Công dân bình thường được đeo những bộ râu giả nhỏ dài khoảng 5cm, trong khi những vị vua thường đeo những bộ râu rất dài và được tỉa hình vuông ở cuối. Các vị thần Ai Cập thậm chí còn có những bộ râu dài sang trọng hơn.
Khóa cửa
Chúng ta nên cảm ơn người Ai Cập cổ đại vì đã phát minh ra công cụ hết sức quan trọng này. Chính họ đã tạo ra khóa cửa vào khoảng năm 4000 trước công nguyên. Về cơ bản là đây là một khóa trụ tang chốt, có nghĩa ổ khóa gồm một thanh trục lõm được kết nối với các lẫy (pins) có độ dài khác nhau có thể được thao tác bằng cách chèn vào đó chìa khóa. Khi đưa chìa khóa thích hợp vào ổ, các rãnh trên chìa sẽ đẩy các thanh pin lên sao cho các pin sẽ thoát ra khỏi trục khóa. Lúc này, ta có thể xoay trục khóa và mở khóa.
Tuy nhiên, nhược điểm của các ổ khóa thời cổ đại chính là kích thước của chúng. Những cái lớn nhất có chiều dài lên tới 0.6m. Khóa của người Ai Cập thực sự an toàn hơn so với công nghệ sử dụng lò xo để giữ trục khóa được phát triển về sau bởi người La Mã. Các ổ khóa La Mã đã được ẩn bên trong cánh cửa, nhưng dễ mở hơn nếu so với các ổ khóa của người Ai Cập.
Kem đánh răng
Như đã đề cập bên trên, người Ai Cập cổ gặp rất nhiều vấn đề với hàm răng của mình, phần lớn là bởi cát và sạn có trong bánh mỳ của họ, gây hỏng men răng. Tuy rằng không có các nha sĩ nhưng họ cũng phát minh ra những vật liệu giúp giữ răng sạch sẽ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tăm được chôn bên cạnh xác ướp, giúp họ có thể làm sạch các mảnh vụn thức ăn trong răng. Cùng với người Babylon, họ cũng đã có công phát minh ra những chiếc bàn chải đánh răng đầu tiên, đó là đầu bị sờn của cành cây gỗ.
Tuy nhiên đó không phải là tất cả, người Ai Cập còn phát minh ra kem đánh răng. Ban đầu, kem đánh răng là hỗn hợp của bột móng bò, tro, vỏ trứng bị đốt cháy và đá bọt. Nghe có vẻ giống công thức của các mụ phù thủy trong truyện cổ tích hơn là loại kem giúp làm sạch răng miệng. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy công thức làm kem đánh răng cao cấp hơn được viết trên giấy cói. Theo những gì ghi chép lại, đây là một loại bột giúp “hàm răng trắng và đẹp hoàn hảo”, được kết hợp từ muối mỏ, bạc hà, hoa iris khô và hạt tiêu.
Theo: HowStuffWorks
Những phát minh đáng kinh ngạc của người Ai Cập cổ đại (Phần II) / Genk.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét